TRUNG TÂM THÔNG TIN DU HỌC VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Tuesday, July 15, 2014

Thị trường lao động đòi hỏi chất lượng cao - Cánh cửa đã hé mở

TTLĐ - Vừa qua, 138 điều dưỡng Việt Nam đã xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản. Đây là những người đầu tiên sang Nhật Bản làm việc theo hình thức thực tập sinh, mở ra cánh cửa xuất khẩu lao động sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), 138 ứng viên đầu tiên sang Nhật Bản vừa học vừa làm việc trong thời gian tối đa 3 năm đối với điều dưỡng viên và tối đa 4 năm đối với hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi Chứng chỉ quốc gia mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi Chứng chỉ quốc gia một lần vào năm thứ 4 sau khi đã làm công việc hộ lý trên 3 năm tại Nhật Bản. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn. Các ứng viên không thi đỗ chứng chỉ trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản được phép quay lại Nhật Bản để dự thi mà không phải đáp ứng các điều kiện mới. Đặc biệt, không giống những chương trình hợp tác nhận thực tập sinh khác, lao động Việt Nam phải trở về sau một thời gian nhất định và không được trở lại Nhật Bản, trong chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc, các ứng viên sau thời gian học tập và làm việc sẽ có cơ hội thi chứng chỉ nghề của Nhật Bản và ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Trước khi lên đường sang Nhật Bản làm điều dưỡng viên theo chương trình thí điểm giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, chị Lê Thị Xuyên (quê ở xã An Hưng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) cho biết: “Tôi quyết tâm sẽ thi đỗ chứng chỉ nghề của Nhật Bản để được ở lại Nhật Bản làm việc lâu dài. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội tốt cho tôi và các bạn cùng đi đợt này. Chúng tôi sang Nhật Bản vừa được học tập, vừa được làm việc để nâng cao tay nghề. Nếu sau này có cơ hội, tôi sẽ xin về làm việc tại một cơ sở y tế nào đó tại Việt Nam”.

Thị trường lao động đòi hỏi chất lượng cao - Cánh cửa đã hé mở
Các điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước: Khóa 1, chúng tôi đã tuyển chọn được 150 ứng viên để đào tạo. Song, chỉ có 138 người đạt yêu cầu trình độ tiếng Nhật N3 trở lên đủ điều kiện sang Nhật Bản làm việc. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với phía Nhật Bản giúp các ứng viên điều dưỡng, hộ lý lựa chọn được các cơ sở tiếp nhận theo nguyện vọng của họ. Đa số các ứng viên khi được sang Nhật Bản làm việc đều thể hiện quyết tâm thi được chứng chỉ của Nhật Bản, một số ứng viên còn lựa chọn những cơ sở y tế có chi nhánh ở Việt Nam để có thể trở về Việt Nam làm việc. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh của Nhật Bản sẽ tăng cao, đặc biệt là ngành xây dựng. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã nới rộng yêu cầu tiếp nhận thực tập sinh trong ngành này, thời hạn lưu trú cho lao động ngành xây dựng tăng từ 3 năm lên 5 năm, đồng thời những thực tập sinh ngành xây dựng còn được phép quay lại Nhật Bản làm việc sau này.
Hiệu quả của việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài rất lớn, nó không chỉ giúp người lao động có thu nhập mà còn tạo cơ hội để đất nước có nguồn lao động có tay nghề sau khi người lao động về nước. Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo số lượng và chỉ giới hạn ở những thị trường truyền thống như hiện nay thì hoạt động xuất khẩu lao động sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn. Bởi theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thị trường lao động thế giới hiện nay đã tăng gấp 4 lần so với năm 1980 và dự báo sẽ tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2050. Ở các nước phát triển, giới phân tích thị trường việc làm cho rằng, lao động chân tay sẽ không còn lợi thế, rơi vào thất nghiệp, thay vào đó là nhu cầu lao động có tay nghề, có kỹ thuật cao. Trong năm 2014, theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Cụ thể, chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi, hé mở hy vọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển.

0 nhận xét:

Post a Comment